Đức Phật A-di-đà trong Kinh Bản Duyên và các Kinh Điển khác
Mục Sách mới của HT Như Điển |
Đi tìm nguồn cội của những việc cần tìm hiểu quả là điều rất hữu ích và cần thiết cho những người học Phật như chúng ta ngày nay. Tuy trong hiện tại chúng ta có quá nhiều phương tiện để tìm hiểu, đọc tụng cũng như học hỏi, nhưng cũng không phải muốn tìm gì là có ngay lời giải đáp đúng như ý ta mong đợi, mà vẫn cần phải qua những trải nghiệm của bản thân cũng như sự tu học hành trì, nghiên cứu lâu ngày, chúng ta mới thẩm thấu được lời Phật dạy. Vì lẽ lời dạy của Đức Phật nằm rải rác khắp nơi trong ba tạng của Nam Truyền và ba tạng của Bắc Truyền, có cả hàng triệu triệu chữ và nhiều nhà phiên dịch, chú giải khác nhau, nên không phải ai cũng có cơ duyên để trì tụng, nghiên cứu hết ba tạng Kinh điển này. Riêng bản thân tôi không dám làm việc gì quá khả năng, chỉ cố gắng gom góp lại những chỗ đã đọc qua, nhằm cống hiến cho quý vị một sự hiểu biết căn bản về Đức Phật A-di-đà, để chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa khi trì tụng các Kinh A-di-đà, Kinh Vô Lượng Thọ hay Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Đó là điều căn bản, bởi lẽ cũng có một số quý vị không tin có một Đức Phật như thế và một cảnh giới như thế. Sau đây là những lời giải bày.
Tôi vốn xuất thân từ truyền thống Thiền Lâm Tế, phái Chúc Thánh, xuất phát ở Hội An, Quảng Nam, nhưng khi vào chùa từ năm 1964 đến nay (2020), cũng đã trên 55 năm rồi, tôi thấy các chùa thuộc Thiền Phái Chúc Thánh ít ngồi Thiền mà tụng Kinh A-di-đà, Địa Tạng, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết-bàn v.v…, khác với chủ trương Thiền như Ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền ở Trung Hoa, vị Sơ Tổ của Thiền Lâm Tế có mặt từ thế kỷ 9 (866/867) vào đời Tống. Từ đó đến nay đã hơn 1.000 năm lịch sử, việc truyền thừa ấy không còn nguyên thủy nữa, mà đã pha trộn quá nhiều. Lý do thì không phải là không có, nhưng ở đây tôi không muốn phản biện lại điều này, vì lâu nay đã có nhiều người giải thích rồi. Chỉ có điều, những người tu Thiền mà đổi qua tu Tịnh Độ như vậy, căn cứ vào đâu để giải thích rằng trong kinh điển Nam Truyền đã có đề cập đến? Đây là câu hỏi mà nhiều người muốn tìm cho rõ ngọn ngành của vấn đề.
Câu hỏi này, một số quý vị Giáo Sư Phật tử tại Học Viện Phật giáo Linh Sơn ở Paris cũng đã hỏi tôi cách đây mấy năm về trước. Lúc ấy, cũng may là tôi đã đọc xong tất cả những phần Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm cũng như Tăng Nhất A Hàm và đã bắt đầu đọc đến Bộ Bản Duyên (Bản Sanh) thì mới đọc được việc Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đến danh hiệu của Đức Phật A-di-đà. Và nếu đọc hết quyển thứ 17 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, trong hơn 13.000 trang Kinh ấy, chúng ta chỉ thấy duy nhất hai lần Đức Phật Thích Ca đề cập đến việc này. Lần thứ nhất là trong bộ Bản Duyên thứ nhất, quyển thứ 10, trang 474, phần sau của Kinh thứ 55, tiêu đề Đức Phật Thuyết Giảng Kinh Thí Dụ. Nếu Quý vị muốn tìm nguyên bản chữ Hán thì vào Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizōkyō) Tập 3, kinh số 154, trang 107, tờ c, từ dòng 1 đến dòng 14, nội dung bản Việt dịch như sau:
“Ngài Thủ Đạt tuổi cao đáng kính, giáo hóa được năm ngàn người. Ngài Duy Tiên tuổi trẻ, trí tuệ sâu rộng, đi tới nhiều nước, giáo hóa được sáu vạn người. Lần lượt trên con đường đi du hóa, hai vị này gặp nhau, các đệ tử của Ngài Thủ Đạt thấy Ngài Duy Tiên trí tuệ dũng mãnh thảy đều muốn đến để tỏ lòng sùng bái. Ngài Thủ Đạt gọi các đệ tử lại bảo:
-Ông Duy Tiên tuổi còn nhỏ, trí tuệ cạn cợt, ít ỏi.Ngài Duy Tiên nghe được lời nói đó, bèn nghĩ: “Người tu hạnh Bồ Tát, phải nên cúng dường nhau, du hóa đến các nước gặp nhau, coi như gặp được Phật. Nay ta thật không muốn ủng hộ Ngài Thủ Đạt, nhưng vẫn luôn nghĩ về tình đồng đạo. Ngài Duy Tiên ngay trong đêm đó lặng lẽ bỏ sang nước khác. Vì sao thế? Là vì muốn cho các đệ tử kia vẫn tiếp tục cúng dường Ngài Thủ Đạt.
Ngài Thủ Đạt do đã bài báng Ngài Duy Tiên, nên phải bị đọa vào loài Ma Ha Nê Lê đến sáu mươi kiếp, khi đã thoát được ra làm người thì phải chịu sáu mươi kiếp làm người không có lưỡi. Tại sao thế? Là vì Ngài đã không tự chế ngự được ba nghiệp thân, khẩu, ý, làm mất đi pháp hạnh của Bồ Tát. Về sau, tội lỗi hết, nhờ công đức đã vun trồng từ trước và nỗ lực tự tu tập nên được thành Phật hiệu là Thích Ca Văn. Đức Phật bảo các đệ tử:
-Ông Thủ Đạt kia chính là bản thân Ta, Ngài Duy Tiên hiện nay là Đức Phật A-di-đà. Tất cả các vị ngồi ở đây đều nói:
-Lỗi lầm kia nhỏ, mà tội phải gánh chịu thì quá lớn!
Đức Phật bảo mọi người trong pháp hội:
-Thân, khẩu, ý, ba nghiệp ấy không thể không quyết chế ngự, giữ gìn. Những ai trọn tin điều này và phụng hành thì đắc đạo. Nếu có phạm lỗi xấu ác tự biết ăn năn sửa đổi thì lỗi đó trở nên nhẹ bớt đi!”
(Trích từ trang 474 đến 475 trong bản Việt dịch).
Đến quyển thứ 16, thuộc Bộ Bản Duyên thứ 7, trang 386 đến trang 389 thuộc Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, phần kinh văn số 206 cũng có thêm một câu chuyện liên quan đến cảnh giới Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà, mà Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizōkyō), Tập 4, kinh số 206, trang 521, từ dòng 9 thuộc Bộ Bổn Duyên Bộ hạ, tập thứ 4, trang 510 thuộc về phần Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, chuyện thứ 60 như sau:
“Ngày xưa có một người tuổi trẻ nghèo khổ, đi đến nước khác được một quả cam, nó vừa thơm vừa đẹp, ở đời ít có. Anh ta mến tiếc, không dám nếm thử. Nghĩ đến cha mẹ, muốn đem quả cam về dâng cúng, nên liền đi trở về thành Tỳ Da Ly (Tỳ Xá Ly).
Khi ấy Đức Phật vào thành cùng với chư Bồ Tát và các đệ tử lớn, đến nhà trưởng giả thọ trai. Thấy Đức Phật đi qua, người tuổi trẻ chưa về nhà, tay cầm quả cam trong ý muốn dâng cúng nhưng chưa thực hiện kịp. Vì từ nhỏ tới lớn chưa từng nghe nói về Phật, thấy dấu chân Đức Phật vừa đi qua in trên đất giống như hình bánh xe đang quay, rõ ràng các đường chỉ nhỏ cũng không thiếu sót. Lấy làm lạ, anh ta liền ngồi lên dấu chân nhìn xem không chán. Anh ta cảm nhận như gặp được điều may mắn, quên cả buồn vui. Anh suy nghĩ: “Dấu chân trên đất còn như thế, huống gì thân của vị ấy ở đời ít có. Ta ở đây đợi Ngài trở về, nên đem luôn phần của cha mẹ, chờ vị ấy trở lại sẽ đem quả cam dâng cúng.”
Khi Đức Phật chưa trở về, anh ta ngồi bên dấu chân, buồn suy nghĩ rơi nước mắt. Người đi đường thấy vậy hỏi:
-Vì sao anh cầm quả cam ngồi đây mà buồn bã vậy?
Anh ta đáp:
-Tôi ngồi đây với dấu chân của Bậc Tôn Quý, mong mỏi Ngài sẽ trở lại, muốn đem quả cam này tự dâng cúng, đợi thấy Tôn nhan mà chưa được như nguyện. Tự xét thân phận hèn mọn, ít ai quan tâm, nên cảm thấy buồn.
Người đi đường thấy lạ, đến hỏi thăm, xem coi rất đông, đều bàn tán với nhau cho anh ta là kẻ cuồng si. Vì sao biết được vị ấy có trở lại hay không mà ngồi chờ đợi?
Khi Đức Phật đã đến nhà vị trưởng giả an tọa, chúng Tăng rửa chân, theo thứ lớp ngồi vào xong, vị trưởng giả và tất cả thân quyến đem các món ăn dâng cúng đầy đủ. Khi thọ trai xong, Đức Phật chú nguyện cho trưởng giả và cả người nghèo ở xa đang chiêm ngưỡng dấu chân, cầm quả cam đợi dâng cúng Phật.
Khi Đức Phật và chúng Tăng đã thọ trai xong, vị trưởng giả suy nghĩ: “Đức Thế Tôn chú nguyện pháp thí không bình đẳng. Chỉ chú trọng người ở xa, việc cúng dường ở đây không xứng đáng sao?”
Đức Phật dạy Tôn Giả A-nan:
-Việc cúng dường của trưởng giả phước như thế nào?
Đức Phật dạy tiếp:
-Việc cúng dường của trưởng giả rất rộng rãi, nhưng vị ấy còn mong mỏi, nên dụng tâm còn so sánh quanh co, nhưng kết cuộc cũng được tốt đẹp, an lạc. Trái lại, bên ngoài ở xa có một thiếu niên tay cầm quả cam, một lòng không nghĩ gì khác, ngồi bên dấu chân hiền từ chờ đợi, suy nghĩ muốn dâng quả cam cúng dường, vận dụng lòng thành phát tâm rộng lớn. Do vậy, nên Ta ngồi ở đây, vì người ở xa mà chú nguyện.
Vị trưởng giả suy nghĩ: “Người kia muốn cúng quả cam không khác đồ ăn của ta. Đức Phật tán thán công đức của người kia là cao tột. Ta tuy giàu có, đồ cúng đầy đủ, nhưng ý chấp vào việc cúng ít nhiều nên Đức Phật dạy phước không bằng người kia, ta muốn theo hầu Đức Phật đến thăm người ấy.”
Khi ấy Đức Phật rời khỏi chỗ ngồi, đi đến nơi người ngồi chiêm ngưỡng dấu chân. Các Bồ Tát, đệ tử, trưởng giả, cư sĩ… Tất cả hợp lại theo thứ bậc tháp tùng theo Đức Phật. Người kia từ xa thấy Đức Phật đi đến, thân tướng tốt đẹp, hào quang sáng hơn cả mặt trăng, mặt trời, liền bước tới nghênh đón Đức Phật, rồi cúi đầu đảnh lễ. Nhân đó anh ta quỳ xuống, đem quả cam dâng cúng Đức Phật và liền khi đó phát tâm Vô Thượng bình đẳng độ thoát chúng sanh.
Đức Phật phóng ánh sáng chiếu khắp không cùng tận. Ba ngàn thế giới đều chấn động lớn. Mười phương chư Phật và chư vị Bồ Tát kịp thời đều hiện ra như hình hiện ở trong gương, xa gần đều thấy rõ. Đức Phật vì vị ấy thọ nhận quả cam rồi chuyển quả ấy cúng dường mười phương chư Phật, chỉ một quả cam ấy mà biến ra để cúng dường khắp không cùng tận.
Mười phương chư Phật và chư vị Bồ Tát thân mang ca sa, duỗi cánh tay vàng sáng chói, phóng ra ngàn muôn ức tia sáng, trong mỗi tia sáng kia tự nhiên đều có hoa sen châu báu nối tiếp giăng quanh tòa sư tử. Trên Bảo tòa có chư Phật và chư vị Bồ Tát đều cầm bát báu thọ nhận quả cam, cùng dùng quả cam ấy chuyển biến cúng dường… Đức Thích Ca cũng lại như vậy, ở thế giới này chiếu sáng mười phương, khắp trong hư không, chư Thiên, Quỷ Thần đều đầy đủ, tám hướng trên dưới cũng không có khoảng trống, đều hoan hỷ đến tán dương, hỗ trợ, các Bồ Tát trong ba cõi đều được nhờ ân.
Khi ấy người cúng quả cam được pháp Vô Sinh Nhẫn. Đức Phật thọ ký cho vị ấy sau này sẽ được làm Phật, hiệu là Quả Tôn Vương Vô Thượng Chánh Giác. Quốc độ kia sẽ giống như cảnh giới Cực Lạc của Phật A-di-đà. Khi vị ấy được nghe Đức Phật thọ ký cõi nước riêng, tự nhiên thân tâm thanh tịnh, liền được quả vị Nhất Sanh Bổ Xứ. Trưởng Giả, Cư Sĩ, cả đến ngàn người, nương nhờ phước ấy mà phát đạo tâm và được vào địa vị Bất Thoái Chuyển.
Công đức của người nghèo kia được lợi ích rộng lớn đến như vậy.”
(Trích từ trang 386 đến 389 trong bản Việt dịch.)
Trên đây là hai đoạn kinh được trích ra từ bộ Bản Sanh thứ 10 và thứ 16 của Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, xuất bản tại Đài Bắc, Đài Loan khi cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh còn sanh tiền.
Ngoài ra trong Trường Bộ Kinh (Dīgha Nikāya) do Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch ra Việt ngữ vào năm 1991 -Phật Lịch 2535; phần thứ 17. Kinh Đại Thiện Kiến Vương (Mahàsudassana Sutta) cũng đã có đề cập rất rõ về một cảnh giới của Vua Đại Thiện Kiến, rất giống với cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A-di-đà. Vị Vua này chính là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Kế tiếp là trong Kinh Trung A Hàm, ở phẩm thứ 6 thuộc Phẩm Vương Tương Ưng, kinh thứ 68 thuộc Kinh Đại Thiện Kiến Vương. So sánh hai Kinh này ở Nikaya và Kinh Trung A Hàm không khác nhau mấy về nội dung của một cõi trang nghiêm như Tây Phương Tịnh Độ của Đức Phật A-di-đà, mà Vua Đại Thiện Kiến trong quá khứ là tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh trong quyển: Thiết lập Tịnh Độ – Kinh A-di-đà Thiền Giải, chú giải dưới cái nhìn của Thiền học. Trong quyển này, phần Thiết Lập Tịnh Độ (trang 7), Thiền Sư Nhất Hạnh đã đề cập đến một cảnh giới Cực Lạc như trong Kinh Đại Thiện Kiến Vương về cõi Tịnh Độ (Cực Lạc) của Đức Phật A-di-đà. Thật ra cõi Cực Lạc (Sukkhavatti) chỉ có một, do Đức Phật A-di-đà làm giáo chủ, nhưng có vô số cõi Tịnh Độ của chư Phật trong mười phương vô biên quốc độ.
Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm, người Đài Loan, tốt nghiệp Tiến Sĩ Phật Học tại Đại Học Risso Nhật Bản, sau về sáng lập Pháp Cổ Sơn tại Đài Bắc và Ngài chủ trương có bốn loại Tịnh Độ. Đó là Nhân Gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ. Do vậy dưới mắt các Thiền Sư thì Tịnh Độ không nhất thiết phải ở cõi Tây Phương, mà ở đây và bây giờ, nơi quốc độ này cũng có thể là Nhân Gian Tịnh Độ như trong phẩm Kinh Đại Thiện Kiến Vương vậy. Người ta cũng có thể nói đến Đông Phương Tịnh Độ của Đức Phật Dược Sư hay ở những cõi khác nữa. Bởi vì thế giới vô cùng, không gian vô tận, nên cõi nước và cõi Phật cũng không có ngằn mé vậy.
Bây giờ nếu có ai muốn truy tìm dấu vết kinh văn thì cũng không khó như ngày xưa. Chúng ta nên biết rằng: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh bên Nam Truyền (Việt dịch từ tiếng Pali) tương ứng với các Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A hàm và Bộ Bản Sanh bên Bắc Truyền (Hán dịch từ tiếng Sanskrit). Các dịch giả dịch thẳng từ tiếng Pali sang tiếng Việt chỉ có 13 tập và tất cả độ dày của 13 quyển này cũng trên dưới 10.000 trang. Riêng phần Bắc Truyền từ chữ Hán được dịch sang tiếng Việt có đến 17 quyển; mỗi quyển cũng trên dưới 1.000 trang và tổng cộng 17 quyển này cũng khoảng từ 12 ngàn đến 13.000 trang. Vì sao vậy? Vì bên văn bản chữ Hán rất đa dạng và có nhiều bản dịch từ tiếng Phạn sang có số chữ nhiều hơn, có nhiều kinh giống nhau nhưng được cho vào cùng thể loại, khiến cho những bộ kinh căn bản của Bắc Truyền nhiều hơn số chữ của các kinh bên Nam Truyền là vậy.
Bây giờ nếu quý vị nào còn nghi ngờ gì nữa thì quý vị cũng có thể giở ra những trang kinh đã được giới thiệu để đọc, tìm hiểu và thẩm thấu lời Phật dạy về những cảnh giới khác, không phải như cảnh giới của chúng ta đang ở và cũng có nhiều vị Phật, chứ không phải chỉ có một Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật lịch sử ở cõi Ta Bà này. Phần tôi, không vì tranh luận với bất cứ ai về Đức Phật A-di-đà hay cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, mà chỉ muốn càng làm sáng tỏ vấn đề thì độ nghi ngờ càng ít đi, để khi chúng ta hành trì được phước báu nhiều hơn là tự mình suy nghĩ theo sự hiểu biết nông cạn của mỗi người mà tự kết luận rằng: Một thế giới như thế không có, hay một Đức Phật như thế không có. Đây là điều không nên lặp lại đối với những người muốn nghiên cứu kinh điển của cả hai truyền thống Nam Truyền cũng như Bắc Truyền một cách nghiêm chỉnh để được lợi mình và lợi người.
Thích Như Điển
Viết xong vào lúc 16:00 ngày 28 tháng 3 năm 2020 tại Thư Phòng của Tổ Đình Viên Giác, Hannover Đức Quốc trong mùa dịch cúm Corona đang hoành hành khắp cả thế giới.
Tags:
Tịnh