Việc đầu tiên, Cư Sĩ Tại Gia phải biết cái ý nghĩa của từ ngữ mình đã
mang vào đời mình, vì từ ngữ ấy nó rẽ hai đời mình ra và định đoạt cho mình một lý tưởng cùng một cuộc sống theo lý tưởng đó.
Tại gia tức là không thoát ly gia đình, không thoát ly hình thức sinh
hoạt của thế gian mà thật hiện cơ bản của Phật pháp vào ngay trong hình
thức sinh hoạt đó. Định nghĩa như vậy thật chưa phải đã bao gồm tất cả những điều cần phải biết và cần phải làm của một người tại gia, nhưng, người tại gia, cũng đủ để thấy không phải với những tâm lý hời hợt mà làm một người tại gia được.
Cơ cấu của xã hội loài người là gia đình. Nhưng không phải chỉ một lý
do ấy mà đức Phật quy định có một tổ chức tại gia trong hàng Phật tử. Gia đình cũng chỉ là một hình thức sinh hoạt của thế gian. Chính hình thức sinh hoạt hình thức của thế gian mới là vấn đề đức Phật chú ý. Hình
thức sinh hoạt nầy, căn bản là con người, nhưng phạm vi của nó cố nhiên
bao gồm cả gia đình và xã hội của con người nữa. Hình thức sinh hoạt nầy, đối với đức Phật, ghét bỏ hay ưa thích đều không thành vấn đề; vấn đề là hình thức sinh hoạt đã có mà cái có ấy lại cần phải hóa cải và có thể hóa cải được. Mà người tại gia là những người trực tiếp trong việc hóa cải đó. - Người xuất gia, đối lại, cao hơn, lãnh đạo công việc hối cải của người tại gia. Vì vậy, trong khi đức Phật quy định Phật tử có tổ
chức tại gia thì phải có tổ chức xuất gia. – Và chính đó, không tránh bỏ một hình thức dĩ nhiên là hình thức sinh hoạt mà ngược lại, đem Phật pháp để hóa cải hình thức sinh hoạt, đó là cái ý nghĩa của từ ngữ tại gia và là cái lý do tại sao có ra tổ chức nầy.
Hình thức sinh hoạt của đời người (xin nhớ là cả con người và gia đình, xã hội của con người), theo Phật pháp, có hai chiều: Sinh hoạt xuôi chiều theo dục vọng và bản năng mà không có một chút chỉ huy gì của
lương tâm và lương tri thì chính đó là tất cả nguyên nhân phá sản sự sinh tồn của con người. Ngược lại, sống một cuộc sống có ý thức, biết tự
nghĩ hạnh phúc của mình và nghĩ đến hạnh phúc chung, thì đó chính là sự
sinh hoạt đúng với nguyên lý của nó.
- Sống theo chiều thứ nhất thì dầu có dán nhãn hiệu Phật tử vào đời mình cũng vẫn là “người thế gian”.
- Sống theo chiều hướng thứ hai thì sự sống đó tức là đem Phật pháp hoán cải sự sinh hoạt, sống như vậy là một “người tại gia cư sĩ”.
Này các
thiện nam, tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quan sát, suy tư và
thể nghiệm. Chỉ khi nào, sau khi thể nghiệm, quý vị thực sự thấy lời
dạy này là tốt, lành mạnh, đạo đức, có khả năng hướng thiện, chói sáng
và được người trí tán thán; nếu sống và thực hiện theo lời dạy này sẽ
đem đến hạnh phúc, an lạc thực sự ngay hiện tại và về lâu về dài, thì
lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo. (Kinh Bộ Tăng
Chi, A. I. 188)
Do đó, để trở thành một người Phật tử chân chính, chúng ta cần phải có
một thời gian nhất định để tìm hiểu đạo Phật. Người có lòng tự trọng sẽ
không ỷ lại vào một thế lực nào khác, những đứa con nên người và thành
công trên trường đời thường có chí tự lập cao, ít dựa dẫm vào cha mẹ.
Thật vậy, khi đến với đạo Phật chúng ta phải tìm hiểu lời Phật dạy theo
cách thức văn, tư, tu. Văn có nghĩa là nghe đọc qua các kinh sách băng
đĩa, hoặc nghe chư Tăng Ni chia sẻ Phật pháp, nếu ta chỉ nghe suông theo
kiểu người trước làm sao, người sau làm vậy mà không có tư duy, quán
chiếu và thể nhập chân lý thì đó là niềm tin mù quáng.
-Để đảm bảo cho người Phật tử tại gia sống đời đạo đức, có nếp sống văn
hóa lành mạnh, có hiểu biết chân chính, có trí tuệ phân biệt đúng sai,
chánh tà và biết cách làm chủ bản thân với tinh thần vô ngã, vị tha.
-Để thực hành đúng lời Phật dạy nhằm phát huy tinh thần “tốt đạo đẹp
đời” phù hợp với mọi tầng lớp trong xã hội, người Phật tử chân chính
phát nguyện rộng độ chúng sinh, thắp sáng ngọn đuốc từ bi cứu khổ, nhằm
làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh.
-Để giúp cho người Phật tử tại gia hiểu rõ lợi ích thiết thực trong việc
học hỏi, chiêm nghiệm và ứng dụng vào trong đời sống hằng ngày.
-Người Phật tử chân chính cần thiết lập và xây dựng một Tịnh độ dân
gian, trên nền tảng của bản thân, gia đình và xã hội, không nhớ nghĩ quá
khứ, không vọng cầu tương lai mà chỉ sống trong giờ phút hiện tại, đây
chính là “cực lạc hiện tiền”. Tịnh độ là lòng trong sạch, còn tìm chi
cõi Phật ở phương Tây. Chính vì vậy, các tổ thường nói: Ngoài tâm cầu
Phật là ngoại đạo, người tu học chân chính nên xem xét, chiêm nghiệm lời
dạy này?
Chúng tôi biên soạn quyển cẫm nang vào đời, nhằm góp phần nhỏ vào việc
xây dựng ngôi nhà Phật pháp, mong được phát triển bền vững, lâu dài
trong hiện tại và mai sau. Với chút lòng thành biết ơn sâu sắc, kính
mong chư tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức tăng ni, Phật tử và các bậc
thiện hữu tri thức chỉ giáo, để quyển cẫm nang vào đời thật sự có hữu
ích cho nhiều người.
Theo tập Người Tại Gia của Hòa thượng Thích Trí Quang và Thích Đạt Ma Phổ Giác