Thiền sư Khương Tăng Hội: Mở nguồn thiền tông Việt



Tìm một ngôi chùa trên đất nước Việt Nam quá dễ. Nhưng để tìm được một ngôi chùa nào có thờ sơ tổ thiền tông Việt Nam Khương Tăng Hội lại cực khó. Rất nhiều người đọc Tam Quốc diễn nghĩa và bộ phim được chuyển thể. Nhưng ít ai biết rằng vào thời đó nước ta có sơ tổ thiền tông Khương Tăng Hội? Tư tưởng thiền của đại sư Khương Tăng Hội âm thầm lan tỏa vào từng ngóc ngách của phật giáo Việt Nam suốt gần 20 thế kỷ nay.

Đôi nét phác họa

Lịch sử và hành trạng của thiền sư Khương Tăng Hội được thiền sư Tăng Hựu (445 – 518) viết. Tài liệu này đã được tác giả của “Xuất Tam Tạng ký” sống vào thời Lương ở Trung Hoa (502-557) dùng để viết thêm. Thiền sư Huệ Hạo (496 – 553) cũng sống vào thời Lương dùng để viết “Cao tăng truyện”. Sách biên soạn, ghi chép về 257 danh tăng cùng 274 nhân vật nổi tiếng từ thời Hán Vĩnh Bình (58-75) đến Lương Thiên Giám (502-519).

Theo 2 cuốn sách trên, thiền sư Khương Tăng Hội sinh trong khoảng năm 180 đến 190. Tức là sách được viết ra sau hơn một thế kỷ thiền sư Khương Tăng Hội thu thần nhập tịch.

Cha của thiền sư Khương Tăng Hội vốn người nước Khương Cư (Sogdian) thuộc miền Bắc Ấn Độ ngày nay. Mẹ của thiền sư là người Việt. Cha của thiền sư là thương gia, đến Giao Châu (nước ta thời đó) để buôn bán, rồi lập nghiệp, lấy vợ. Đại sư Khương Tăng Hội sinh ra, trưởng thành tại Giao Châu. Khi Khương Tăng Hội được khoảng 10 tuổi thì mồ côi cả cha lẫn mẹ. Sau thời gian để tang, Khương Tăng Hội xuất gia tu học tại trung tâm Phật giáo Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh).

Thiền sư Khương Tăng Hội

Tu học ở Luy Lâu, đến ngày nay, sau 1740 năm kể từ khi thiền sư viên tịch, hậu thế vẫn tri ân thiền sư. Tại chùa Phật Tích (xã Phật Tích, Tiên Du, Bắc Ninh) và chùa Kênh vàng (xã Trung Kênh, Lương Tài, Bắc Ninh) có ban thờ ngài.

Là vùng đất Phật, nhưng Luy Lâu xưa cũng là vùng đất Nho giáo vào nước ta. Khi thiền sư Khương Tăng Hội còn nhỏ và mới trưởng thành, thái thú Sĩ Nhiếp (137 – 226) đang cai trị ở vùng đất này.

Chăm chỉ học tập nên thiền sư Khương Tăng Hội là người rất thông minh, có biện tài. Ngài chuyên trì giới luật, tinh làu Tam tạng Thánh điển, được Tăng chúng tại Trung tâm Phật giáo Luy Lâu vô cùng ngưỡng mộ. Đại sư còn tinh thông cả Tứ thư Ngũ kinh (Nho giáo), giỏi thiên văn, toán số, đồ thư, văn chương lưu loát, lại hay biện luận về chính trị… Tác phẩm của ngài để lại có thể kể đến như sau: Lời tựa cho kinh “An ban thủ ý” (Anapànasàtisutta); Bài giới thiệu “Lục độ tập kinh”, trong đó phần viết về Tứ niệm xứ, đạt đến được tinh hoa của tinh thần Thiền thời bấy giờ. Viết lời tựa cho “Pháp cảnh kinh” (do An Huyền và Nghiêm Phật Điều dịch), và “Đạo thọ kinh” (do Chi Kiêm dịch), đều là những kinh thuộc Thiền quán Nam tông. Một số tác phẩm khác được thiền sư Khương Tăng Hội dịch và biên tập đến nay không còn giữ được…

Không chỉ là sơ tổ thiền tông Việt Nam, thiền sư Khương Tăng Hội còn được coi là tổ thiền tông Trung Hoa. Đến năm 1096, thiền sư

Thông Biện vẫn giảng giải cho Thái hậu Ỷ Lan về truyền thừa của dòng Khương Tăng Hội là thiền sư Lôi Hà Trạch. Sau vị thiền sư này, chưa rõ dòng thiền kế truyền ra sao.

Chuyện ly kỳ về thiền sư

Thời đó, nước ta nội thuộc Đông Ngô. Cao tăng truyện viết: Năm 247, thiền sư Khương Tăng Hội dời Giao Chỉ tiến về Kiến Nghiệp (Trung Hoa ngày nay), dựng am và lập tượng Phật để hành đạo. Việc đến tai, nên vua Ngô Tôn Quyền truyền thiền sư đến hỏi: “Đạo của thầy có gì là linh thiêng?”. Thiền sư đáp: “Đức Như Lai qua đời đã một ngàn năm, xá lợi của ngài để lại có năng lực chiếu sáng thần diệu không lường. Ngày xưa vua A Dục đã dựng ra tám vạn bốn ngàn chiếc tháp để làm sáng tỏ công đức giáo hóa của Bụt”. Vua Tôn Quyền không tin, bắt chứng minh. Còn nói nếu được sẽ cho dựng tháp thờ, còn không sẽ trị tội. Thiền sư xin hạn 7 ngày. Phải xin đến ba lần 7 ngày mới chứng thực được xá lợi tỏa sáng ngũ sắc. Khi Tôn Quyền cầm bình đồng đổ xá lợi ra chiếc đĩa bằng đồng thì đĩa vỡ. Tôn Quyền kinh sợ, nói: “Đây là điềm lành hiếm có”. Thiền sư Khương Tăng Hội nói: “Bệ hạ, thần uy của xá lợi rất phi phàm. Ngoài ánh sáng và màu sắc ra, xá lợi không thể bị đốt cháy, kim cang cũng không thể phá hoại được”. Tôn Quyền bèn sai đại lực sĩ dùng chùy sắt đập xá lợi. Chùy hư hại, còn xá lợi lún sâu vào đe sắt.

Tôn Quyền liền cho xây dựng chùa Kiến Sơ để thầy trò Khương Tăng Hội truyền đạo. Đó là ngôi chùa đầu tiên ở Giang Đông. Cạnh chùa Kiến Sơ còn xây tháp A Dục để xá lợi. Vùng đất đó gọi là Phật Đà Lý. Năm 820, tên chữ chùa Kiến Sơ cũng dùng để đặt tên cho ngôi chùa ở Giao Chỉ (xã Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), khi đại sư Vô Ngôn Thông sang hành đạo và truyền pháp cho thiền sư Cảm Thành.

Tôn Quyền mất, Tôn Hạo lên ngôi thay cha đã cho đàn áp và phá nhiều chùa. Tôn Hạo không chỉ bắt đổi tên chùa Kiến Sơ thành chùa Thiên Tử còn sai Trương Dục – một người tinh thông Nho – Lão đến chùa để thử tài thiền sư Khương Tăng Hội. Dù Trương Dục dùng đủ mọi cách lý lẽ biện luận kéo dài từ sáng đến tối mịt, nhưng không thể bắt bẻ được một lời nào của thiền sư Khương Tăng Hội. Trương Dục về tâu vua Tôn Hạo: “Người này rất sáng suốt, rất tài ba, thần không đủ sức đương đầu. Xin bệ hạ xem xét và định liệu”. Vua Tôn Hạo không tin bèn mời thiền sư vào cung trực tiếp biện luận. Nghe thiền sư thuyết pháp, Tôn Hạo rất phục.

Tuy Tôn Hạo để thiền sư Khương Tăng Hội hành đạo nhưng vẫn chưa thật tin đạo. Một hôm, vệ binh của Tôn Hạo sửa chữa hoa viên ở hậu cung, đào lên được một tượng Phật bằng vàng. Tôn Hạo sai để tượng Phật ở chỗ bẩn, lại sai lấy phân bôi đầy lên tượng, rồi cùng với quần thần cười đùa chế nhạo, nói: “Phật được người nối người phụng thờ như thần linh. Ta không chút kính trọng ngươi, xem người làm gì được ta”. Sau đó, đột nhiên toàn thân Tôn Hạo sưng phù, đau nhức kỳ lạ, liền hất tung chiếc bàn từ chỗ ngồi của mình, té quỵ xuống đất, hốt hoảng kêu la. Tôn Hạo nhờ người tiên đoán. Tôn Hạo đi các đình miếu, nhờ đạo sĩ cầu nguyện, nhưng bệnh tình không hề thuyên giảm. Bấy giờ, có một cung nữ tín phụng Phật pháp trình với Tôn Hạo: “Bệ hạ nên đến chùa cầu nguyện, sám hối. Phật là bậc Đại thánh, không thể không cầu Ngài”. Tôn Hạo đành đến chùa gặp thiền sư Khương Tăng Hội. Vua quỳ gối ăn năn kể lại tội của mình. Lại sai người tắm sạch tượng Phật và đặt lên bàn thờ. Thiền sư Khương Tăng Hội làm lễ sám hối cho Tôn Hạo. Bệnh tình Tôn Hạo tiêu mất, không còn đau nhức.

Từ đó, Tôn Hạo không còn khởi niệm ác với Phật pháp và xin quy y thọ ngũ giới. Mười ngày sau, bệnh của ông khỏi hẳn. Tôn Hạo liền cho sửa sang lại chùa Kiến Sơ.

Tư tưởng của thiền sư Khương Tăng Hội

Nói về tư tưởng thiền của thiền sư Khương Tăng Hội trong vài dòng thì thật khó khăn vô cùng. Nhất là với người chưa học đạo. Để hiểu tư tưởng của ngài chúng ta cần được các bậc thầy giảng cho các thâm ý sâu xa trong các lời tựa, trong các kinh ngài dịch và biên tập.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong sách “Thiền sư Khương Tăng Hội sơ tổ của thiền tông Việt Nam và Trung Hoa” cho biết: Thiền sư Khương Tăng Hội đã viết lời tựa cho kinh An ban thủ ý (kinh Quán niệm hơi thở). Đây là quyển kinh căn bản về thiền quán của Phật giáo Nam tông mà qua hơn hai ngàn năm, từ thế hệ này đến thế hệ khác, chư tăng các nước Phật giáo nguyên thủy như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan… đều thực tập hành trì làm nền tảng cho đời sống tịnh tu. Ngày nay, tại các nước Âu Mỹ, các thiền sư Nam tông xiển dương hai phương pháp Samatha (dừng chỉ loạn tâm) và Vipassana (quán sát tự tánh) là dựa trên ý chỉ của kinh này và kinh Tứ niệm xứ.

Thiền học đối với Khương Tăng Hội không phải chỉ là những phương pháp hành đạo mà còn có cả một căn bản triết học về tâm học. Tăng Hội định nghĩa “Tâm” là: “không có hình, không có tiếng, không có trước, không có sau, thâm diệu, vi tế, không có tóc tơ hình thức; Phạm Thiên, Đế Thích và tiên thánh cũng không thấy rõ được; những hạt giống của tâm khi thì ẩn khi thì hiện, cái này hóa sinh thành cái kia, người phàm không thể thấy được; đó gọi là ấm”. Chúng sinh phiêu trầm vì tâm ấy bị lôi kéo theo lục tình và mười ba ức uế niệm… Những tà hạnh của lục tình nhiều như nước muôn sông chảy về biển, bất tận. Do đó phương pháp quán niệm hơi thở là để đối phó lục tình và ngăn chặn tà hạnh. Tăng Hội viết: “Người hành giả đã chứng đắc được phép An ban, thì tâm bừng sáng, dùng cái sáng ấy để quán chiếu thì không gì tối tăm mà không thấy…”.

Tôn Xước – vị trí thức Đông Ngô đã đề lên tranh tượng của thiền sư Khương Tăng Hội bài thơ:

Lặng lẽ, một mình,

Đó là khí chất

Tâm không bận bịu

Tình không vướng mắc

Đêm đen soi đường

Lay người thức giấc

Vượt cao, đi xa

Thoát ngoài cõi tục.

TỪ KHÔI

TINH HOA VIỆT

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn

Giới thiệu